Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Tránh tạo khu khu biệt lập khi người nước ngoài mua nhà

Tán thành chủ trương nới điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà ở, song Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật Quốc Hội Phan Trung Lý đề xuất cần có thêm quy định để tránh hình thành những khu biệt lập chỉ có người nước ngoài sinh sống.

Theo Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), người Việt Nam định cư ở có các quyền và nghĩa vụ như công dân trong nước như sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng và được phép và bán, tặng cho, thế chấp, thừa kế.....

Tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng có quyền sở hữu nhà ở tại các dự án không hạn chế về số lượng. Thời hạn sở hữu đối với tổ chức tối đa không quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư. Với cá nhân, thời hạn sở hữu là 50 năm và có thể gia hạn thêm.

Phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ quốc hội chiều 10/3, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mở rộng điều kiện mua, sở hữu nhà đối với kiều bào và người nước ngoài để thu hút nhân tài, nguồn lực… “Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế và phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng Dũng đánh giá.



Cần tránh hình thành khu biệt lập khi cho người nước ngoài mua nhà. Ảnh: Hoàng Lan

Tán thành chủ trương mở rộng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được quyền sở hữu nhà ở, song Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, cần thêm quy định chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm an ninh chính trị đất nước, nhất là tại địa bàn, khu vực trọng yếu.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, cần có thêm quy định không được mua nhà ở tại các khu vực đặc biệt; hạn chế về số lượng nhà ở được mua trong một khu vực; hạn chế số lượng căn hộ được mua trong một tòa nhà chung cư... “Điều này sẽ tránh hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống”, ông Phan Trung Lý nêu quan điểm.

Tại phiên họp sáng nay về Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, quy định mở rộng hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng gây nhiều tranh cãi. Theo dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước. Còn tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản theo 4 hình thức: Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.

Dự thảo luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chưa mở rộng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao… vì Luật Đất đai 2013 chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, không nên cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh bất động sản đối với khu vực "nhạy cảm". Còn Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề xuất nên cấmngười nước ngoài hoạt động kinh doanh bất động sản ở đất quốc phòng an ninh.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu. Quy định sở hữu nhà ở, cũng như kinh doanh bất động sản đối với người nước ngoài sẽ được Bộ Xây dựng rà soát và bổ sung để báo cáo Quốc hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét