Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Dòng tiền 'khủng' có đổ vào BĐS sau cái 'bấm nút' của Quốc hội?

Quyền sở hữu bất động sản cho người nước ngoài chính thức được thông qua tại phiên họp Quốc hội vào ngày 25/11 vừa qua. Chính sách này được xem là có tác động lớn đến loại bất động sản cao cấp.

Vấn đề mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài không phải là mới mẻ gì ở nước ta. Từ năm 2008, Chính phủ đã có Nghị quyết số 19 quy định về chính sách này. Tuy nhiên, với việc thực hiện thí điểm thì những điều kiện để người nước ngoài sở hữu BĐS Việt Nam là rất khó khăn.

Sau hơn 6 năm thực hiện thí điểm cho người nước ngoài, kể cả Việt kiều thì cũng chỉ mới có 200 trường hợp được giải quyết. Trong khi đó, ước tính có khoảng 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN. Và phần lớn họ đều đang đi thuê nhà ở là chính, bên cạnh đó, các DN có vốn FDI đang đẩy mạnh mở rộng kinh doanh tại VN sẽ là một nguồn cầu lớn cho thị trường BĐS.



Với sự kiến “bấm nút” thông qua việc đưa vào Luật Nhà ở sửa đổi lần này vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2015 được đánh sẽ mở rộng hơn rất nhiều cho nhóm đối tượng này mua và sở hữu bất động sản tại VN. Điều này sẽ góp phần tăng nhiệt cho thị trường địa ốc, đặc biệt là phân khúc cao cấp.

Cụ thể, người nước ngoài có quyền thuê và sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc tối đa 250 biệt thự/nhà liền kề. Việc sửa đổi cũng cho phép cung cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu có thời hạn đăng ký là 50 năm.

Luật sửa đổi mới nhất cho phép nới lỏng các điều kiện đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, giúp đối tượng này có đầy đủ quyền sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Theo Savills đánh giá, trong năm 2013, lượng kiều hối đã tăng 10% với tổng lượng kiều hối đạt đến 11 tỉ đô la Mỹ, lượng lớn kiều hối này giờ đây có thể yên tâm rót vào thị trường bất động sản.

Hiện tại, người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được cấp quyền sở hữu hợp pháp, đồng thời mở ra một số lượng người mua nhà mới. Điều này sẽ tạo thêm tính thanh khoản cho thị trường nhà ở hiện đang có dấu phục hồi tương đối trên cả nước.

Trong buổi họp báo mới đây của Công ty Hòa Bình, chủ dự án căn hộ cao cấp Hòa Bình Green City về việc triển khai bán sản phẩm dự án này. Ông Nguyễn Hữu Đường, chủ tịch Hòa Bình cũng rất quan tâm đến quyết định của Quốc hội về cho người nước ngoài sở hữu BĐS Việt Nam.

Ông Đường cho rằng, chỉ cần có visa là người nước ngoài có thể mua được nhà ở tại VN. Điều này sẽ có tác động lớn đến thị trường bất động sản, đặc biệt là ở khu trung tâm ở Thủ đô. Chia sẻ về kế hoạch bán hàng của mình, ông Đường cho biết: “Sau khi biết Quốc hội bấm nút thông qua, tôi đã thức gần suốt đêm và băn khoăn đưa ra giá bán căn hộ dự án của mình. Nhưng sau đó tôi quyết định giữ nguyên giá bán mà công ty đã dự kiến đưa ra hơn 1 tháng trước đó là từ 38 triệu đồng/m2, nhưng đợt 1 mở bán tòa B dự án Hòa Bình Green City tôi chỉ bán 250 căn. Đợt 2 dự kiến tôi sẽ tăng giá 10% cho 250 căn tiếp theo và đợt 3 dự kiến sẽ bán đúng thời điểm áp dụng chính sách cho người nước ngoài mua nhà vào tháng 7 năm 2015 và dự kiến khi đó giá sẽ tăng khoảng 50%”.

Lý do mà ông Đường cho rằng chắc chắn giá căn hộ cao cấp sẽ lên là bởi thứ nhất người nước ngoài rất thích khu vực nội đô, gần trung tâm Thủ đô, họ chỉ quan tâm đến những dự án trong nội thành còn phía ven đô sẽ khó bán. Thứ hai, so với những thành phố khác trong khu vực, giá nhà ở tại Hà Nội còn thấp.

Còn theo Savills, điều quan trọng là việc sửa đổi luật này sẽ giúp thị trường bất động sản Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trong khu vực. Nó cũng sẽ cho phép các nhà đầu tư đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam có cơ hội tiếp cận với phân khúc tài sản hấp dẫn này trong một thị trường mới nổi với những đặc điểm cấu trúc hấp dẫn và những tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, quy định mới cho phép người nước ngoài “mua bất động sản thông qua tổ chức tài chính hoạt động tại Việt Nam”. Khu vực ngân hàng bán lẻ đang cạnh tranh mạnh mẽ, điều này sẽ giúp thúc đẩy việc cho vay thế chấp dành cho người nước ngoài.

Theo Gia Bảo (Trí Thức Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét