Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Gần 12 triệu m2 đất phân lô bán nền đi về đâu?

Một số ý kiến cho rằng, việc cho phép phân lô bán nền sẽ khiến giá đất nền giảm, người dân dễ mua hơn. Tuy nhiên, 12 triệu m2 đất nền chưa bán được liệu có tiêu thụ nổi khi có đối thủ mới?

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 6/2013, tồn kho đất nền nhà ở trên cả nước còn hơn 9,9 triệu m2, tương đương 33.951 tỷ đồng; đất nền thương mại khác trên 2 triệu m2, tương đương 5.835 tỷ đồng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, quy định cho phép phân lô bán nền sẽ giúp giải quyết một phần hàng tồn kho hiện nay. Tuy nhiên, vị này cũng nhìn nhận trên thực tế, hình thức kinh doanh phân lô bán nền, thực chất không phải là bán bất động sản mà là bán sản phẩm hình thành trong tương lai. Nó không khác biệt lắm so với bán nhà trên giấy.

Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land rất đồng tình với việc lại cho phân lô bán nền. Theo ông Hà, quy định này mặc dù không thể khiến thị trường “nóng” lên ngay lập tức nhưng sẽ đẩy nhanh thanh khoản. Bởi lẽ, chủ đầu tư vừa phải đóng tiền sử dụng đất, vừa phải hoàn thiện hạ tầng lại phải xây thô thì chi phí quá lớn. Cho phân lô bán nền sẽ giảm chi phí xây thô, chủ đầu tư có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ, theo đó giá đất nền sẽ rẻ đi và người mua cũng dễ tiếp cận hơn.


Cho phép phân lô bán nền từ ngày 5/1/2014

Cũng nhận định cho phép phân lô bán nền sẽ giúp giải quyết nhanh một phần đất nền đang tồn kho, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng nói thêm: quy định được phân lô, bán nền ra đời vì hiện có nhiều dự án khu đô thị, đất liền kề… chủ đầu tư hết vốn không thể triển khai xây thô để bán.

Theo quan điểm của bà Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) quy định này sẽ làm lợi chung cho xã hội. Tuy nhiên, người dân là những người có lợi nhất vì trong đô thị có nhiều nhóm cư dân có điều kiện kinh tế khác nhau, có hộ gia đình tiết kiệm dần dần mới hoàn thiện, xây được cái nhà, không phải ngay một lúc mua luôn được cái nhà có sẵn của dự án.

Ông Đỗ Viết Chiến – Cục trưởng Cục quản lý và phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cho phép đô thị cấp huyện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong khi các cấp thành phố, thị xã lại không cho.

“Nếu mình cấm tất các đô thị và quy vào cùng một cơ chế chính sách là không phù hợp. Cho nên việc đưa ra quy định về chuyển quyền sử dụng đất trong nghị định 11 là tháo gỡ khó khăn chung cho cả doanh nghiệp và người dân” ông Chiến nhấn mạnh.

Thêm vào đó, vị Cục trưởng Cục phát triển đô thị cũng cho biết, những dự án nằm trong khu vực trung tâm của đô thị; dự án nằm cạnh các công trình điểm nhấn kiến trúc; dự án có yêu cầu cao về quản lý kiến trúc; những dự án nằm mặt đường của các trục đường khu vực 16m trở lên sẽ không thuộc diện được phân lô, bán nền.

Ngoài ra, những đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chính Minh, các đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ không được tự phân lô, bán nền. Bởi, các đô thị này đều thuộc diện phải kiểm soát chặt về quy hoạch kiến trúc và trật tự xây dựng. Nếu cho chuyển cũng phải có chọn lọc từng dự án cụ thể.

Tùy theo nhu cầu phát triển đô thị, UBND tỉnh sẽ quyết định các khu vực chủ đầu tư được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở.

“Việc cho phép các doanh nghiệp được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật và xong nghĩa vụ tài chính tại nghị định 11/NĐ-CP đã được luật hóa tại điều 194 của Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua”, ông Chiến nói thêm.

Con số xấp xỉ 12 triệu m2 đất phân lô bán nền đang ế ẩm trên thị trường liệu có thực sự được hâm chút nhiệt sau quy định này, hay tiếp tục ngậm ngùi chờ thời nhìn những dự án song sinh ra đời cạnh tranh bởi lâu nay việc làm dự án kiểu phân lô bán nền vẫn được coi là dễ làm nhất đặc biệt trong bối cảnh "tháo chạy" hiện nay?

Nguyễn Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét