Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Bộ trưởng Xây dựng: 'Tôi không có tiền cho dân'

“Tôi chỉ có thể giúp người dân bằng chính sách minh bạch để tiếp cận được nhà ở. Những gì đã làm được năm qua có thể thở phào nhưng áp lực với ngành vẫn rất lớn”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những trăn trở của mình với VnExpress.

Khi tôi mới làm Bộ trưởng, có người hỏi: “Bộ trưởng có cho tiền dân không?”. Tôi trả lời: “Bộ trưởng làm sao cho tiền được, Bộ Xây dựng có phải Bộ phân phối tiền đâu. Tôi không thể có tiền để hỗ trợ trực tiếp cho dân, nhưng tôi có thể tham mưu với Chính phủ xây dựng các chính sách đổi mới, hiệu quả, thiết thực để hỗ trợ cho dân mua được nhà với giá thấp hơn nhiều so với trước đây. Vì vậy, đó cũng chính là hỗ trợ tiền một cách gián tiếp cho người dân khi mua nhà”.

Nhìn lại năm qua, thị trường đã xuất hiện nhiều nhà xã hội với giá rẻ hơn 30% so với nhà thương mại. Nhờ chính sách hữu hiệu, các dự án nhà ở xã hội không phải nộp tiền sử dụng đất, miễn 50% thuế VAT cho các hoạt động đầu tư-kinh doanh nhà ở xã hội, và người mua được hỗ trợ vay ngân hàng với lãi suất thấp. Cùng với các dự án nhà ở xã hội được triển khai quyết liệt thì nhiều dự án nhà ở thương mại cũng đã được các chủ đầu tư tự điều chỉnh giá bán để phù hợp với nhu cầu thị trường.



Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: "Tôi không thể có tiền để hỗ trợ trực tiếp cho dân, nhưng tôi có thể tham mưu với Chính phủ xây dựng các chính sách đổi mới, hiệu quả, thiết thực".

Tôi tin rằng, người thu nhập thấp đã có nhiều cơ hội để cải thiện nhà ở. Vài năm trước, người dân thường phải nhờ vả mới mua được nhà, thậm chí có trường hợp chấp nhận giá cao sau đó bán lại để thu lãi tiền chênh lệch. Hiện nay, mọi người đã có thể mua được nhà một cách đàng hoàng, minh bạch thay vì phải xin xỏ, nhờ vả như trước kia.

Tôi từng đến không ít nơi và thấy nhiều người còn ở khổ quá. Có khu công nhân, ba người ở trong một phòng 10 m2, nhà chỉ có mỗi cái mái fibro xi măng. Còn ở ngoại ô TP HCM, có hộ 24 người gồm 4-5 thế hệ mà chỉ ở trong căn nhà có 30 m2. Tại các đô thị lớn, nhiều người lao động cả đời mới xây được căn nhà, thậm chí có trường hợp xây được một căn nhà là công sức của mấy thế hệ cùng góp vào. Bố mẹ đi làm vất vả cũng chỉ đủ tiền xây được tầng 1, sau này con cái họ đi làm mới xây tiếp tầng 2.

Chỗ ở của nhiều người dân mình còn khó khăn khăn lắm, vậy mà vẫn còn những ý kiến lại cho rằng chính sách chia nhỏ căn hộ là sai lầm. Tôi cho rằng, lo nguy cơ xuất hiện nhà ổ chuột từ những hộ nhỏ là chưa sát thực tế. Nhà ổ chuột là loại nhà chất lượng kém, xập xệ, môi trường sống không đảm bảo. Chúng tôi đã khảo sát thấy rất nhiều loại nhà nhỏ, căn hộ có diện tích bé từ 30 m2 đến 45 m2, thậm chí chỉ 20 m2 ở các đô thị của Singapore, Malaysia, Philippines hay các nước phát triển như Nhật Bản, Anh, Pháp... Nhà nhỏ không có nghĩa là ổ chuột vì nó được xây dựng trong một tổng thể hài hòa của các yếu tố chủ đạo về quy hoạch xây dựng, kinh tế, xã hội và môi trường sống.

Với người dân đang rất khó khăn về nhà ở, điều quan trọng nhất là phải nghĩ cho họ, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ để biết họ cần gì. Tất nhiên, nhà đẹp thì tốt quá, nhưng người thu nhập thấp liệu có đủ tiền để mua không? Tôi nghĩ câu trả lời là không. Bởi vậy, mục tiêu của chúng tôi là xây dựng chính sách để mọi người đều có nhà ở, từ đó điều chỉnh, bình ổn giá thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản vừa qua phát triển theo phong trào, các doanh nghiệp cứ thấy đất là ồ ạt đề nghị chính quyền địa phương cho phép làm đô thị. Điều này dẫn đến những “làng đô thị” không theo quy hoạch, thiếu kết nối đồng bộ. Hàng loạt dự án treo xuất hiện khiến địa ốc đóng băng. Để khắc phục tình trạng này, năm vừa qua Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, trong đó yêu cầu việc xây dựng các đô thị phải có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu để từ đó có kế hoạch thực hiện.

Năm nay, Bộ Xây dựng cùng với chính quyền các địa phương vẫn tiếp tục rà soát kỹ các dự án. Trên cơ sở quy hoạch, cần phải xây dựng kế hoạch phát triển của từng đô thị hằng năm, 5 năm và dài hạn. Nhiệm vụ đặt ra là phải xác định rõ trên bản đồ quy hoạch, các khu vực được xây dựng ngay, khu vực không được xây dựng và khu vực được xây dựng trong vòng 5 năm-10 năm. Nhờ vậy, người dân và doanh nghiệp có thể lựa chọn đầu tư. Đây cũng là công cụ quan trọng để các nhà quản lý kiểm soát quá trình đầu tư, khắc phục dự án treo từ đó khắc phục tình trạng “xin – cho”.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nhất định phải gắn với Chiến lược nhà ở quốc gia, làm sao để mọi người dân đều được tiếp cận với nhà ở. Trước kia, nhà ở, bất động sản chỉ phục vụ cho một số đối tượng, nay bộ phận này không mua nữa dẫn đến dư thừa, nhất là các loại nhà cao cấp. Bởi vậy, mấu chốt hiện nay là phải khắc phục được sự lệch pha cung cầu, bằng cách giảm cung nhà cao cấp và tăng cung nhà xã hội.

Thị trường bất động sản đang ấm dần lên. Giá nhà đã giảm khoảng 30%, thậm chí có nơi giảm đến 50% so với vài năm trước khi “sốt”, giá nhà nay đã quay về giá của thời điểm năm 2006. Nói rằng giá bất động sản đã chạm đáy hay chưa là khó nhưng theo tôi, thời điểm này giá nhà đã phù hợp với người có nhu cầu thực.

Năm 2014, với vị trí của Bộ trưởng là người dẫn dắt ngành xây dựng, tôi vẫn luôn tự đặt áp lực lên chính mình là làm sao phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tức là tham gia tích cực tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; Đồng thời tập trung thực hiện các chương trình nhà ở xã hội. Trong đó, phải hoàn thành chương trình nhà ở vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2; chương trình nhà ở cho 70.000 hộ có công với nước; chương trình nhà ở tránh lũ cho 40.000 hộ nghèo ở 14 tỉnh duyên hải miền trung. Nhiệm vụ cấp bách là phải nghiên cứu ngay đề án hỗ trợ nhà ở chống bão cho các hộ nghèo, nơi thường xuyên xảy ra các cơn bão lũ lớn gây nhiều thiêt hại về người và tài sản trong thời gian vừa qua.

Ngay cả một nước phát triển, với thu nhập bình quân đầu người hơn 40.000-50.000 USD mỗi năm, vẫn duy trì nhiều năm làm nhà xã hội. Bởi vậy, ở Việt Nam, phát triển nhà ở xã hội là một chính sách lâu dài không thể làm gấp gáp trong 1-2 năm. Tuy nhiên, theo tình hình phát triển kinh tế của từng giai đoạn, tiêu chí của nhà ở xã hội cũng sẽ được điều chỉnh ngày một to hơn, đẹp hơn.

Kết thúc năm 2013, có thể nói những quan điểm đổi mới có tính đột phá, đã được thể chế hóa thông qua các dự thảo luật xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Nghị định số 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Nghị định 15 về quản lý chất lượng xây dựng, Nghị định 188 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội... Năm 2013 đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì những gì đã làm được nhưng áp lực năm nay vẫn còn rất lớn.

Dù kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn, song tôi nghĩ trong cái rủi lại có cái may đó là chính nhờ vào thời điểm khó khăn này, những khuyết tật của nền kinh tế cũng như lỗ hổng của luật pháp bị bộc lộ rõ, từ đó chúng ta có cơ hội để hoàn thiện lại. Nếu kinh tế đang mạnh, bất động sản đang sốt nóng thì chúng ta không thể biết chỗ nào là điểm yếu, đâu là sai lầm để sửa. Tôi cho rằng, năm nay sẽ là thời cơ để ngành xây dựng củng cố các minh chứng thuyết phục hơn về hiệu quả của các chính sách đã ban hành. Hoàng Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét