Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Liên kết 4 bên để gỡ khó cho bất động sản

Chủ đầu tư, đơn vị thi công, nhà cung cấp vật liệu và ngân hàng sẽ liên kết để đảm bảo dòng vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản được sử dụng hiệu quả, từ đó tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho hay cơ quan này đang nghiên cứu phương án liên kết sản phẩm của “bốn nhà” để quản lý dòng tiền trong lĩnh vực xây dựng. Theo ý tưởng này, chủ đầu tư vay được vốn ngân hàng, tiền sẽ chuyển cho đơn vị thi công công trình, chi cho bên cung cấp vật liệu xây dựng. Tất cả các quy trình này được ngân hàng giám sát.

“Nhờ có liên kết này, dòng vốn được đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh thất thoát, qua đó, sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản”, ông cho hay.

Vị lãnh đạo này cho biết, trước mắt sẽ thí điểm ở một số ngân hàng, sau đó nếu không có gì vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước sẽ ra một vản bản ghi rõ quy chế nhằm tạo liên kết dọc trong khối ngân hàng và các bên.


Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh: Hoàng Lan

Về ý tưởng này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, phương thưc liên kết 4 nhà là một giải pháp tích cực hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Điều này sẽ hạn chế những tiêu cực trong việc nhà đầu tư dùng vốn góp của khách hàng vào mục đích khác, nhờ vậy, thị trường sẽ minh bạch hơn.

Tuy nhiên, theo ông Võ, để giải quyết căn nguyên bệnh cho thị trường, cần xóa bỏ kiểu kinh doanh chụp giật, gây mất lòng tin trong thị trường của một số nhà đầu tư bất động sản. “Để minh bạch, thị trường cần một tổ chức tín dụng đứng giữa khách hàng và chủ đầu tư. Tổ chức tín dụng này sẽ giám sát đồng thời tiền sẽ được giải ngân theo tiến độ xây dựng”, ông Võ nói.

Gỡ khó cho thị trường bất động sản vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đặt ra. Đầu tháng 2, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Theo đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng, tài chính trong dài hạn đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bán thấp, nhà ở cho thuê.

Chính phủ yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án để tăng nhanh nguồn cung nhà ở xã hội, đồng thời đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Vừa qua, tại một hội thảo diễn ra tại TP HCM, một chuyên gia kinh tế tiết lộ, cơ quan quản lý đang tập trung chỉ đạo 4 ngân hàng quốc doanh liên kết với Ngân hàng Xây dựng, thành lập ra một gói tín dụng có thể lên đến 70.000 tỷ đồng, thậm chí trên 100.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, trong thông cáo chính thức phát đi sáng 24/2, Bộ Xây dựng đã bác bỏ thông tin này. Ông Đỗ Đức Duy, người phát ngôn của bộ khẳng định cơ quan này không đề xuất và cũng không chủ trì nghiên cứu đề án nào với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản. “Trong Chương trình xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ trong năm 2014, Chính phủ cũng không giao cho Bộ Xây dựng hoặc Bộ, Ngành nào khác nghiên cứu đề án về hỗ trợ thị trường bất động sản với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng”, ông Duy cho hay.

Ông Duy khẳng định, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02 của Chính phủ.

Cùng với Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết không có đề xuất về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng nêu trên.

Hoàng Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét