Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Sam biển - mặt trời bé con

Loài hoa này có tên là "sam biển" (ngoài hàng hoa vẫn gọi là "sam Thái"), tên khoa học là Aptenia cordifolia. Còn trong tiếng Anh, nó được gọi bằng một cái tên rất dễ thương: Baby sun rose. Vì thế mà mình xem những bông hoa này là mặt trời bé con.

Sam biển rất dễ trồng, cũng như hoa mười giờ và các loài sam khác, chỉ cần cắm một cành xuống đất là cây tự đâm rễ, trưởng thành và trổ bông. Lá hoa đẹp, hoa nở nhiều, chỉ bé chưa bằng đồng xu, thường có các màu đỏ, hồng, cam. Cây không cần chăm sóc gì đặc biệt, chỉ trồng nơi sáng và tưới nước đều.


Tản mạn về thành ngữ: "Sư tử Hà Đông"

Ngày nay, cụm từ “sư tử Hà Đông” phổ biến đến nỗi thoạt nghe ai cũng biết nó ám chỉ một người đàn bà hung dữ, ghen tuông, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng. Vậy câu thành ngữ này có xuất xứ từ đâu?

Một số người nhầm lẫn từ “Hà Đông” ở đây là một địa danh của miền Bắc nước ta. Thực ra câu thành ngữ này bắt nguồn từ tiếng Hán, chính xác hơn là từ một bài thơ của thi sĩ Tô Đông Pha đời Tống.

Tích xưa kể rằng Trần Quý Thường (hiệu là Long Khâu cư sĩ) – bạn của Tô Đông Pha – là một người sùng đạo Phật và rất sợ vợ. Vợ của Trần Quý Thường là Liễu thị, vốn có tiếng ghen tuông, hung hãn, mỗi lần quát chồng thì tiếng hét của bà ta làm chồng run rẩy, rơi cả gậy thiền. Lúc bấy giờ Tô Đông Pha đang bị đi đày ở Hoàng Châu, rất thiếu thốn cơ cực, có viết bài thơ sau gửi bạn mình để cười cái thân phận khổ lụy của hai người:

“Đông Pha tiên sinh vô nhất tiền
Thập niên gia hỏa thiêu phàm duyên
Hoàng kim khả thành hà khả tắc
Chỉ hữu sương bính vô do huyền
Long Khâu cư sĩ diệc khả liên
Đàm Không thuyết Hữu dạ bất miên
Hốt văn sư tử Hà Đông hống
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên"

(Đông Pha tiên sinh không một tiền
Mười năm đèn lửa xin hai bên
Hoàng kim làm được sông lấp được
Chỉ có tóc sương không chịu đen
Long Khâu cư sĩ cũng vô duyên
Bàn Không bàn Có thức suốt đêm
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống
Hốt hoảng tâm thần rơi gậy thiền)

Bài thơ thể hiện lối ví von đầy ẩn ý thâm nho của Tô Đông Pha. Nguyên cụm từ “sư tử hống” bắt nguồn từ một pháp môn của nhà Phật: tương truyền Phật tổ sinh ra là đã nói được ngay, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, tiếng vang như sư tử gầm đánh động tâm thức người phàm để họ giác ngộ. Tô Đông Pha dùng cụm từ này vừa để ám chỉ sự sùng đạo Phật của Trần Quý Thường vừa tả tiếng hét lớn của Liễu thị. Còn chữ “Hà Đông” là dựa theo câu thơ sau của thi sĩ Đỗ Phủ đời Đường: “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu” (nghĩa là “người con gái đất Hà Đông họ Liễu”). Vì vợ Trần Quý Thường cũng họ Liễu nên Tô Đông Pha mới gọi là “sư tử Hà Đông”.

Về sau, người đời vẫn dùng cụm từ “sư tử Hà Đông” để chỉ người đàn bà hung dữ. Cách nói này cũng khá phổ biến trong tiếng Việt.

Trong tiếng Anh, từ “tigress” ngoài nghĩa đen là “cọp cái” còn có nghĩa bóng là “người đàn bà hung dữ”, có thể dùng tương đương với thành ngữ “sư tử Hà Đông”.
 
7.2008 

Hoa thạch nam vàng

Hoa thạch nam, còn được gọi là thạch thảo, chính là loài hoa nổi tiếng trong câu hát của Phạm Duy phỏng từ thơ của Guillaume Appolinaire: "Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo".

Loài hoa trong bài thơ vốn có màu tím, còn ở đây là thạch nam vàng: lộng lẫy và thanh tao.




-----------------------------
Tên khoa học: Calluna vulgaris
Tên phổ thông: Thạch nam, thạch thảo, thạch thảo chổi
Tên tiếng Anh: Heather
Họ: Ericaceae (Đỗ quyên)

Đường về thiền viện

Đã quen sống ở Sài Gòn xô bồ nhộn nhịp, một ngày nọ chợt thấy lòng tĩnh lặng, muốn đi một chốn nào thanh vắng, đẹp và thơ để vừa thưởng thức vừa tĩnh tâm, tôi tìm đến miền Trung thơ mộng với một ngôi chùa tuổi đời còn rất trẻ nhưng có phong cảnh thiên nhiên cực kỳ tươi đẹp: thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là một ngôi chùa thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc trên một ngọn đồi của vùng núi rừng Bạch Mã, phía trước là hồ nước xanh như ngọc, trong đến mức thấy sỏi cát dưới đáy hồ. Cảnh sắc nơi đây quả là sơn thủy hữu tình, đem đến cho khách hành hương cái cảm xúc rất lạ giữa một không gian núi non trùng điệp trong thoáng bình yên chim hót, nước thì mênh mang màu trời hòa lẫn cỏ cây, mát như giọt sương mai buổi sớm, tách khỏi chốn trần gian bụi bặm đời thường.


Tôi đến với thiền viện vào một ngày nắng, theo xe đi về phía Nam của mảnh đất thần kinh, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 30km. Rời khỏi quốc lộ là một con đường nhỏ mang chút thi vị của lũy tre làng xanh ngắt ven sông, tuy chưa đến bao giờ mà sao vương vấn một phút giây hoài cổ:

Ừ nhỉ, hồn quê soi bóng nước
Chạnh lòng thương nhớ bạn bè xưa

Xứ này vốn dĩ mang một cái tên không được mĩ miều cho lắm: Truồi. Ấy vậy mà sông Truồi, hồ Truồi, núi Truồi, đất Truồi đều mang nét đẹp sống động và nên thơ, lắng trong lòng bao du khách một cảm giác bâng khuâng với mây trời bát ngát, cây trái xanh tươi, nước trong sóng sánh, ngay đến đồ ăn thức uống cũng đậm đà lưu luyến khách đường xa… Qua khỏi đập Truồi là hồ nước trong vắt như một mảnh ngọc lam giữa núi rừng. Tôi choáng ngợp trước cảnh núi gối đầu mây trắng và những hòn đảo nhỏ đậm sắc cây nổi giữa hồ xanh.

Cái thú vị của cuộc hành trình có lẽ là chuyến đi thuyền hoặc phà khoảng 10 phút qua hồ để đến thiền viện. Đó là giây phút cực kỳ thư giãn khi thấy mình lọt thỏm giữa núi rừng, dưới chân là nước lững lờ trôi, gió lồng lộng thổi tung mái tóc và xa xa thiền viện lấp ló sau con đường quanh co bên chân núi. 172 bậc tam cấp lên cổng Tam Quan không làm khách hành hương mệt mỏi, bởi đâu đây là tiếng suối reo chim hót giữa đất trời mênh mông, và từ trên cao nhìn xuống thấy cảnh nước non đẹp chẳng khác nào một bức tranh thủy mặc.


Hồ Truồi - trong veo đáy mắt mùa thu
Thiền viện lấp ló sau rừng cây
Những hòn đảo ngọc
Hồ Truồi lúc hoàng hôn
Đường lên cổng Tam Quan

Thiền viện được xây theo lối kiến trúc tương tự những ngôi chùa dòng pháp thiền phái Trúc Lâm. Qua khỏi cổng Tam Quan, nhìn sang hai bên là lầu chuông và lầu trống, phía trước là chính điện với tượng Phật Bổn Sư Thích Ca bên trong. Nếu như từ lầu chuông nhìn ra là những rặng núi chìm trong mây ôm lấy hồ nước trong xanh thì từ lầu trống có thể thấy cảnh lá hoa và vườn lan thơ mộng.

Một góc sân chùa
Lầu chuông
Chính điện
Tĩnh lặng giữa núi rừng
Một góc chùa

Nếu một ngày nào đó bạn muốn lòng bình yên, thay vì một chuyến du lịch về nơi phố thị xa hoa, sao không tìm đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã mà hòa mình với cảnh trời mây non nước? Đến vùng Truồi, bạn còn có dịp thưởng thức một đặc sản nổi tiếng: bánh ướt thịt heo quay. Muốn vui chơi nhiều hơn thì có thể đi thuyền tắm thác Nhị Hồ và chơi rừng nguyên sinh, ngắm những con đường mòn đầy hoa mua và sim tím, hay lên đỉnh Bạch Mã nhìn xuống vùng Truồi xanh mướt uốn lượn quanh co, trèo thác Đỗ Quyên nên thơ và kỳ ảo. Nói đến đây lại nghe lòng nhớ. Xuân đã về rồi – cái mùa mà hoa đỗ quyên nở đỏ rực như thảm nhung hai bên vách núi, ôm lấy dòng thác trắng xóa cuồn cuộn chảy từ phía đỉnh trời, chợt thấy mình bé nhỏ làm sao trước thiên nhiên hùng vĩ.

Bài viết đã đăng trên tạp chí Jobvietizens tháng 1-2009

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Những ánh sao xuân

Hoa có tên là ngũ tinh, trông như những ngôi sao năm cánh nở từng chùm với nhiều màu rực rỡ: đỏ, hồng, trắng.

Đây là hình hoa ngũ tinh mình chụp tại công viên Tao Đàn.



----------------------------
Tên khoa học: Pentas lanceolata Schum
Tên phổ thông: Ngũ tinh, diễn chân, cúc nữ hoàng, nữ hoàng Ai Cập
Tên tiếng Anh: Egyptian star, star cluster
Họ: Rubiaceae
Xuất xứ: Châu Phi

Thơ cho ngày bé

Những bài thơ viết cho con những ngày bé thơ.

NHỮNG NGÓN TAY XINH

Những ngón tay xinh
Mẹ nâng niu mãi
Đây là ngón cái
To khỏe nhất nhà
Kiêu hãnh bước ra
Ái chà, oai thế.

"Còn em tuy bé
Nhưng lại đáng yêu
Ngón út mĩ miều
Ai mà không thích?"
"Tôi đây có ích
Khéo léo giỏi giang
Ngón trỏ hiền ngoan
Làm bao việc tốt."

Ngón giữa sốt ruột:
"Tớ là anh hào
Dáng người cao cao
Chỉ huy cả bọn"

Chỉ còn một ngón
Khe khẽ mỉm cười:
"Tôi vốn xinh tươi
Để dành đeo nhẫn."

THI LÁU

Ve vẻ vè ve
Nghe vè Thi láu
Trông thì cũng kháu
Mỗi tội lười ăn
Cái mặt nhăn nhăn
Khi mẹ đút sữa
Thấy ba mở cửa
Miệng toét ra cười
Thích nghịch, thích chơi
Chỉ ăn là biếng.

MỌC RĂNG

"Bạn răng thân mến
Tớ giận bạn rồi
Đang khỏe, vui chơi
Bạn làm tớ sốt"

Ứ ừ..

"Tôi là bạn tốt
Cô bé biết không?
Môi cô hồng hồng
Có thêm răng trắng
Nụ cười xinh xắn
Ai cũng thấy yêu
Tôi giúp cô nhiều
Nhai cơm thật kỹ
Cô cứ yên chí
Sẽ khỏe ngay thôi"

"Răng thân yêu ơi
Cảm ơn bạn nhé
Bây giờ tớ khỏe
Bốn chiếc răng xinh
Tớ cười một mình
Mẹ yêu lắm lắm"

BA BA, MA MA

Ba ba, ma ma
Con gọi ba
Con gọi mẹ
Sao yêu thế
Miệng như hoa.

Đây là ba
Có đôi tay
Vững chắc
Có đôi mắt
Sáng ngời
Có nụ cười
Trìu mến…

Đây là mẹ
Có dòng sữa
Ngọt thơm
Có nụ hôn
Êm ái
Có giọng nói
Dịu dàng…

Con bập bẹ
Con nằm chơi
Nụ cười tươi
Yêu yêu quá.

Ba ba, ma ma…

Chè Huế

Đã đến Huế thì phải ăn ...

Tôi biết nhiều bạn sẽ điền vào cái dấu ba chấm kia hai từ "chè Huế". Đúng vậy, chè Huế là món ăn chơi nổi tiếng khắp ba miền, hòa quyện cả nét văn hóa ẩm thực dân gian lẫn cung đình. Chè Huế có hàng chục loại, loại nào cũng có hương vị riêng, hiện diện từ gánh hàng rong cho đến nhà hàng đãi tiệc hoàng gia.

Kể ra không cần phải đến mùa sen mới được ăn chè sen, vì hạt sen khô được xâu chuỗi như tràng hạt, có thể nấu chè bất cứ lúc nào, nhưng ăn hạt sen tươi vẫn có hương vị riêng của nó. Sen Huế nồng nàn từ chớm hạ đến tận sang thu, phảng phất hương thơm trong những tách trà, món ăn, bánh mứt và dĩ nhiên cả chè. Hạt sen hấp chín nấu với đường phèn tạo ra thứ chè dịu ngọt và thanh tao. Sang hơn là chè long nhãn hạt sen, nghĩa là hạt sen được bọc trong nhãn lồng, ăn ngon nhưng khá cầu kỳ, kiểu cách. Để tạo ra ly chè có vị đặc trưng của xứ Huế, thì sen phải dùng sen hồ Tịnh Tâm, nhãn cũng phải là nhãn lồng Huế trồng ở Bắc sông Hương, và dùng đường phèn thay cho đường cát.

Tôi nhớ ngày còn bé, mỗi lần đi chợ về thế nào mẹ cũng mua cho tôi những bịch chè đậu ván hay bột lọc bọc dừa. Ở nhà thỉnh thoảng cũng nấu chè đậu xanh, đậu đen, đậu ngự... Đến những quán chè Huế, nhìn thực đơn dài dằng dặc mà quả thật không biết chọn món gì, vì mỗi thứ chè có một cái hay riêng, bỏ cái nào cũng tiếc mà ăn nhiều thì bao tử không cho phép. Chè bột lọc bọc heo quay có vị beo béo là lạ mà không ngán, chè thập cẩm đậm đà và nhiều hương vị, chè trái cây thanh dịu, chè khoai môn thơm và ngon mắt, chè trôi nước ngọt bùi... Đến thứ chè đậu tưởng là bình dân mà cũng vô cùng phong phú: chè đậu ngự, chè đậu trắng, chè đậu xanh (xanh đánh, xanh dừa, bông cau), chè đậu đỏ, chè đậu đen, chè đậu quyên, chè đậu ván...
Ngay cả trong những trưa hè oi ả, đường về thôn Vỹ vẫn tung bay những tà áo trắng ghé vào Cồn ăn ly chè bắp non ngậm sữa mà ngắm "dòng nước buồn thiu hoa bắp lay", hay tạt ngang những quán chè dưới giàn hoa thơm nằm rải rác khắp các nẻo đường thành phố. Cái thuở tôi còn học cấp 1, cấp 2, thì chè Hẻm ở đường Hùng Vương luôn là lựa chọn số 1. Lên cấp 3, lũ bạn rủ nhau đi ăn chè đường Trương Định, sau này còn có chè Tý ở đường Trần Phú mà giới trẻ vẫn gọi là chè TÌNH YÊU, cả chè Cung đình ở đường Nguyễn Huệ... Xa Huế đã lâu nên có lẽ tôi không cập nhật được hết những quán chè ngon mới nổi, nhưng hương vị chè thì không thể nào quên.

Tôi chắc rằng những người Huế xa xứ ai cũng thấy lòng vương vấn khi nghe nhắc đến từ "chè Huế", bởi đó là tiếng vọng của tuổi thơ bên những gánh chè rong thơm phức với những đôi mắt trong veo long lanh niềm vui con trẻ, là ký ức ngọt ngào về một tuổi thanh niên rong xe qua các nẻo đường, ăn với bạn bè, người yêu vài ba ly chè và tán chuyện gẫu, là những nụ cười hồn hậu cùng bàn tay múc chè thật khéo của cô chủ quán, đọng lại trong lòng một chút bùi ngùi nhung nhớ. Đi vào Nam ra Bắc hay vượt trùng dương, vị chè Huế ngọt ngào quyến rũ, vừa đậm đà vừa thanh tao vẫn luôn là tiếng gọi của tình yêu.
3.2009 

Kìa hoa lựu đỏ

Xưa nay mình vẫn thích cây lựu, bởi lá đẹp, hoa đẹp mà quả cũng đẹp. Ở đây không dám nói lựu ngon vì cây lựu bé xíu, chỉ trồng làm cảnh chứ không phải để ăn. Khi mình trồng lựu, anh xã cười quá trời, bảo rằng thế nào cây lựu cũng chết, hoặc là tàn tạ cho xem. Mình biết xã dùng "khích tướng kế" thôi, chứ trong bụng cũng thích lắm, vì ngày nào cũng vác ghế ra ngồi ngắm cây lựu cơ mà. Tháng tư chớm hè, hoa lựu nở đỏ rực, xác hoa tơi bời, quả non đu đưa đầu cành, nhìn thích gì đâu, lại nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn Du:

"Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông."
 

Rốt cuộc cây lựu đã có 9 quả, rất nhiều hoa và búp non, lá thì xanh mướt chứ hổng giống lời trù ẻo của ai kia đâu nha.


----------------------------
Tên khoa học: Punica granatum L.
Tên phổ thông: Lựu
Tên tiếng Anh: Pomegranate
Họ: Punicaceae (Lựu)

Xao xác tiếng gà trưa

Từ khi chuyển về nơi ở mới, tôi lại được nghe tiếng gà gáy sáng khi bình minh lên đỏ ối một góc trời, rồi những tiếng gà trưa xao xác dưới vòm cây xanh mướt đổ dài bên bến sông.

Sao giữa Sài Gòn lại có tiếng gà trưa xao xuyến đến nhường ấy? Đó không phải là những tiếng gọi bình minh xôn xao khiến chúng tôi thức giấc đến bên cửa sổ đón chút nắng mai đang tan trong màn sương; đó là thứ âm thanh ngân dài trong xa vắng, gọi về những kỷ niệm xưa. Hơn chục năm rồi tôi không được nghe tiếng gà trong thành phố. Bây giờ, những buổi trưa vắng và yên tĩnh, gió mát rượi thổi suốt cả triền sông, làn khói mỏng bay lên rồi lạc giữa không gian chói chang ánh nắng, tiếng gà trưa bỗng vang lên như một tiếng gọi nao lòng khiến Sài Gòn khép mình trở lại vẻ thơ mộng yên bình bấy lâu vẫn lãng quên.

Tiếng gà làm tôi nhớ đến tuổi thơ khốn khó năm xưa trong căn nhà nhỏ quây quần cùng mẹ cha và anh chị. Có một ngày mưa lũ, nước mênh mông hiên nhà, con gà mái buổi trưa cục ta cục tác rồi ráng sức bay lên mái nhà tránh nước, đẻ rơi quả trứng xuống dòng nước lụt, thấy trứng không vỡ nên chúng tôi tiếc lại lội ra vớt vào. Rồi những trưa vắng gà mẹ dẫn gà con đi kiếm ăn, từ trong nhà nhìn ra cũng thấy gà mẹ miệt mài bới đất và gà con nô nghịch quanh bụi chuối dưới mảnh trời xanh ngắt, những tiếng kêu chiêm chiếp nghe thật dễ thương.

Tiếng gà bên sông làm một tình yêu mơ hồ trong tôi chợt giật mình thức giấc, nhớ những lời nhạc đầy hoài niệm – một Sài Gòn có chút nắng trong tiếng gà trưa của Trịnh hay quê hương Việt có mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng cho bao tâm hồn của Văn Cao. Hóa ra tâm hồn cũng có thể thăng hoa từ những điều bình dị ấy.

Yêu thành phố hơn qua những thoáng bình yên
Có tiếng gà trưa xa vắng, dịu hiền…

Nghe tiếng gà trưa xao xác gáy, thấy xao xuyến nao lòng mà cũng thoáng bâng khuâng. Không biết rồi đây tiếng gà sẽ còn tồn tại bao lâu nữa giữa những khu cao ốc và biệt thự đang nhiều lên hàng ngày? Tiếng gà mà tôi nói lại xuất phát từ một nơi chẳng biết gọi là phố hay quê: từ trên tầng cao nhìn xuống, những con gà đủng đỉnh đi trong mảnh vườn rộng bát ngát cây xanh, bên cạnh là căn biệt thự ven sông. Thì ra chủ nhân của nó vẫn không muốn xóa đi một ký ức êm đềm mộc mạc giữa cuộc sống tiện nghi của chốn thị thành này.

12.2009

Trúc đào - một nhan sắc phù thủy

Có lẽ chẳng quá đáng khi bảo cây trúc đào có một nhan sắc phù thủy, bởi tuy cây cho những chùm hoa thật dịu dàng quyến rũ nhưng hầu hết các bộ phận trên cây đều cực độc, chẳng may nuốt phải rất dễ bị tử vong. Hoa đẹp nên vẫn thường được trồng làm cảnh, mặc dù ở rất nhiều nước nó đã được liệt vào danh sách cấm khi tạo cảnh quan bởi độc tố của nó.

Nếu bạn nhìn thấy hoa này, tốt nhất là chỉ nên ngắm thôi chứ đừng có hái làm gì, dù là hoa, lá, hay cành, đặc biệt đừng bao giờ đưa cho trẻ con.


---------------------
Tên khoa học: Nerium oleander L.
Tên phổ thông: Trúc đào
Tên tiếng Anh: Laurier rose
Họ: Apocynaceae (Trúc đào)
Xuất xứ: vùng Địa Trung Hải

Hãy giữ niềm tin

Chú cò ra bờ ao
Lang thang tìm bắt cá
Bụng cò đang đói lả
Cá thì chẳng thấy đâu.

Buổi chiều qua rất mau
Rồi hoàng hôn buông xuống
Cò càng thêm luống cuống
Thấy mắt mờ, chân run.

Đám rong đi lung tung
Đến gần nơi cò đứng
Cò trở nên hào hứng
Cứ ngỡ là mồi ngon.

Mổ một phát thật giòn
Ngờ đâu không phải cá
Từ trên cây lão quạ
Thò cổ xuống chê cười.

Lòng cò buồn rười rượi
Chẳng còn muốn kiếm ăn
Rồi đêm đến, đầy trăng
Cá thi nhau múa hát.

Cò vẫn nằm chờ chết
Mặc lũ cá vui chơi
Cò đã nản mất rồi
Đói quá nên tắt thở.

Các bạn ơi, hãy nhớ
Sống phải có niềm tin
Dù ai nói linh tinh
Vẫn vững lòng, bạn nhé.

Tết Sài Gòn

Phố ông Đồ
Tết Sài Gòn ư? Có gì mà nói, chán thấy mồ!

Tôi cũng từng nghĩ vậy bởi đã quá quen với không khí Tết quây quần ấm cúng trong tiết trời lạnh giá. Tôi yêu cái lạnh se sắt ngọt ngào ấy, yêu cái không khí rất cổ truyền khiến những người xa quê không khỏi chạnh lòng thương nhớ chốn xưa. Tết Sài Gòn thì quá nóng, bởi đang giữa mùa khô, nóng quá nên ai cũng ngại đi lại trong thành phố, thôi thì cứ coi như Tết là một dịp nghỉ phép dài.

Thế mà, có năm tôi đi ăn Tết ở nơi khác, chợt thấy lòng bồi hồi lưu luyến, một thoáng thẫn thờ nghĩ đến những khoảnh khắc thật đẹp của Tết Sài Gòn.

Tết Sài Gòn, đi ngang khu phố cổ – giờ là những con đường sầm uất với dãy khách sạn chạy dài – lại bắt gặp người nghệ sĩ thổi kèn góp vui cho màn ẩm thực vỉa hè sôi động. Tết Sài Gòn, tạt qua những con đường bề bộn, thấy người bán hàng lưng áo ướt đẫm mồ hôi bày từng đống dưa hấu trên tấm vải bạt lớn, tràn ra cả lề đường, rồi những dãy bao lì xì đỏ tươi tràn ngập các nẻo đường và cổng chợ.
 
Múa lân ngày Tết

Tết Sài Gòn trong mắt tôi còn là chiếc thuyền hoa duyên dáng của người bán dạo neo đậu ven kênh. Những ngày giáp Tết, từng chậu hoa kiểng được chất đầy thuyền, rồi cứ thế từng đoàn xuôi dòng kênh đùng đục đưa hoa về phố, đôi lúc đã khiến tôi bật cười với cái cảnh “trên hoa dưới rác”, vậy mà ngẫm lại vẫn thấy rất nên thơ. Nhờ Tết, Sài Gòn trong chớp mắt bỗng biến thành một “thành phố hoa” với đủ loại hoa kiểng từ khắp nơi đổ về khoe sắc trong hội xuân Tao Đàn.
 
Công viên mùa xuân

Nhưng, nếu bảo tôi tả thật ngắn gọn cái đẹp của Sài Gòn vào dịp Tết thì tôi chỉ có thể nói vỏn vẹn ba chữ: “thành phố thức” – thức cả ngày lẫn đêm. Từ dịp Giáng sinh, đèn đã chiếu sáng rực rỡ trên các con đường lớn, rồi sang Tết ta, khu trung tâm bỗng tưng bừng với phố tỏa sáng, và đường hoa về đêm càng thêm lộng lẫy, không hổ danh là “Sài Gòn hoa lệ”. Từ đầu ngày, phố ông đồ đã nhộn nhịp bút nghiên, nhưng đông khách nhất vẫn là buổi tối, có khi các thầy đồ viết không kịp để khách phải chờ lâu. Chợ Bến Thành đêm cũng không kém phần tấp nập, nên những con đường quanh đó đặc kín cả người.

Sài Gòn ơi, thức làm chi cho lòng người xao xuyến?

Tôi bỗng thấy yêu Sài Gòn những đêm không ngủ, bởi khi ấy, Sài Gòn trở về với cái đẹp rất đặc trưng của mình: rực rỡ ngay cả khi lặng lẽ.

Sao cứ mãi đèn hoa cho tôi về say phố?
 
Đường hoa Nguyễn Huệ
Phố tỏa sáng
7.2009

Xích lô - một chút lãng du

"Chị ơi, đêm nay bên hoàng thành có hội. Chị có muốn đi dạo bằng xích lô không?"

Cảm thấy hấp dẫn ngay từ lời mời gọi đầu tiên của anh lái, song tôi đành từ chối vì hôm ấy có việc phải về nhà gấp. Kể ra thì một chuyến dạo chơi đêm trên chiếc xích lô thanh nhã, tản mạn mấy câu chuyện kinh thành và thưởng thức vài món ăn khuya cũng là cái thú khó quên. Bù lại, ngay đêm hôm sau, tôi và một cô bạn Sài Gòn đã tranh thủ làm cuốc xích lô "mini" để ngắm thành phố đêm, dẫu hơi tiếc vì đã qua đêm hội.


Không ít người khi đến Huế đã hỏi: "Sao xích lô ở Huế lại nhiều đến thế?" Quả thực, xích lô hiện diện ở hầu hết mọi nẻo đường, đặc biệt là các đường phố ven sông Hương và những khu khách sạn trong nội thành - nơi tập trung nhiều du khách.

Xích lô vốn là dấu ấn của một thời nghèo khổ, được dùng làm phương tiện chuyên chở chính cho những người không có xe riêng, kiểu như xe ôm bây giờ. Chất lượng sống tăng lên và đô thị ngày càng nhộn nhịp, những tưởng chiếc xích lô sẽ biến mất dần theo năm tháng, nhưng không, xích lô vẫn tồn tại như một kỷ niệm của lịch sử, không những thế, còn trở thành một thú vui tao nhã của những người khách đến cố đô.

Ở Huế, khu vực nội thành không lớn lắm, chia thành hai bờ Nam Sông Hương và Bắc Sông Hương. Bờ Nam là khu hành chính, trường học, khách sạn..., bờ Bắc là khu thương mại, hoàng thành. Thời điểm thích hợp nhất để dạo mát bằng xích lô là buổi tối hoặc chiều khi trời đã tắt nắng - thưởng thức làn gió mát từ sông thổi lên và ngắm thành phố về đêm hoặc lúc hoàng hôn.

Xích lô chạy từ từ như xe đạp, băng qua những con đường rợp bóng cây xanh, qua dòng sông xanh êm đềm chảy giữa lòng thành phố, khiến tâm hồn lâng lâng một khúc lãng du. Khi đêm về, ánh đèn rọi qua vòm lá tạo thành những đốm sáng trắng lay động trên khắp nẻo đường. Đi dạo bằng xích lô có cái tiện là có thể chủ động dừng lại để chụp ảnh nơi mình thích hoặc tạt vào quán chè, quán nước nhâm nhi chút gì đó mà vẫn được chờ.

Do thường xuyên phục vụ khách du lịch nên những người lái xích lô hiểu biết khá nhiều, bản tính người dân Huế lại hiền hòa nên họ thường để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Họ có thể kể những câu chuyện xưa và nay, giới thiệu các điểm ăn chơi trong thành phố, cả những nơi để khách mua quà, mua đặc sản vừa rẻ vừa ngon. Trong giới xích lô không ít người thạo ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp; có những người đọc thơ và nói điển tích rất "mùi". Những chiếc xích lô gọn gàng và sạch sẽ, không quá cồng kềnh mà cũng không quá chật để khách có thể thư thái ngắm cảnh phố phường. Giá đi dạo mỗi bờ là 50.000 đồng, thường mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nếu đi cả hai bờ Nam Bắc thì giá gấp đôi.

Chiếc xích lô chở chúng tôi hòa lẫn trong dòng xích lô trôi êm qua các nẻo đường, lướt dưới những vòm cây lung linh đốm sáng. Lời kể chuyện của anh lái đằng sau những vòng xe với những giọt mồ hôi thầm lặng khiến tôi nhớ đến mấy câu thơ trong bài "Giọt nước Hương Giang" của thi sĩ Nguyên Văn Phương (còn gọi là Phương xích lô) - cũng là một anh lái xích lô Huế đã từng xuất bản 2 tập thơ "Chở gió" và "Xích lô hành" - về cái nghiệp mưu sinh của họ:

"Hạt muối hòa tan trong ly nước
Tôi cũng hòa tan giữa cuộc đời
Làm tên phu xe qua ngày tháng
Chở bao tiếng khóc lẫn nụ cười

Vắng khách đôi khi về chở gió
Không tiền không bạc vẫn cười vang
Dừng lại bên cầu nghe nước chảy
Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang."
3.2009 

Non nước Hạ Long

Tiên Dung - Chử Đồng Tử

Đây là tác phẩm thứ ba của mình sau "Tấm Cám" và "Sơn Tinh - Thủy Tinh" trong loạt truyện thơ "Cổ tích thời hiện đại", hy vọng có thể giúp mọi người thư giãn.

1.
Chuyện rằng công chúa Tiên Dung
Vốn là con gái vua Hùng thứ ba
Thương thay nàng xấu như ma
Dù đi mỹ viện, spa hàng ngày
Nghĩ con mình xấu thế này
Nguy cơ là phải sống chay suốt đời
Chưa kể cái thói ăn chơi
Vụng về, đanh đá, lắm lời, điêu toa
Suốt ngày nhậu nhẹt la cà
Nói thì cũng xấu hổ ra ích gì?
Tiên Dung càng lớn càng lì
Cha dạy cũng chỉ cười khì không nghe
Hùng Vương nẫu ruột, ủ ê
Bao giờ nó tỉnh cơn mê hở giời?
Khi công chúa tuổi ba mươi
Sốt ruột vua mới cho người rêu rao
Đứa nào làm rể của tao
Ba cái resort năm sao có liền
Kèm theo là một đống tiền
Tha hồ du hí khắp miền Đông Tây
Tiên Dung xót ruột cãi ngay:
“Việc gì phải thế? Ô hay, buồn cười!
Cho dù đây ế mười mươi
Đem đi đấu giá xứ người vẫn ngon
Một tên bên nước Đài Loan
Suốt ngày chat chít với con cha à
Mới hồi chiều chứ đâu xa
Hắn khen con đẹp mặn mà mới kinh
Cũng do con gởi tấm hình
Có photoshop nên xinh hơn nhiều
Nhưng mà con chẳng thèm yêu
Thà rằng ở vậy sớm chiều đi chơi
Cuộc đời mấy chục năm thôi
Hôn nhân có phải phí đời đi không?
Con đây chẳng vội lấy chồng
Hay ho gì lũ đàn ông tầm thường!
Con tuy nhan sắc khiêm nhường
Nhưng gì cũng biết tỏ tường nghe cha.”

2.
Bên làng Chử Xá không xa
Có cha con nọ cảnh nhà khó khăn
Xưa kia giàu có đủ ăn
Kẻ hầu người hạ tiếng tăm khắp vùng
Cha con nổi máu yêng hùng
Đem tiền đánh bạc tận vùng Ma Cao
Số đời xui xẻo làm sao
Tiền bạc cứ thế ào ào ra đi
Cuối cùng của chẳng còn chi
Chỉ còn chiếc khố “đờ mi” tạm dùng
Ôi chao khổ sở vô cùng
Hai người một chiếc xài chung xoay vòng

Thế rồi vào một ngày đông
Người cha bị nổi tăng xông qua đời
Nhìn con lệ lã chã rơi:
“Khố này con giữ che người nha con”
Thấy chiếc khố chẳng ra hồn
Chử vờ hiếu thảo đem chôn theo người
Thế rồi hí hửng tươi cười
Ra biển đánh cá trêu ngươi dân làng

3.
Mùa hè thấm thoắt vừa sang
Có đoàn gái đẹp ghé ngang chốn này
Thì ra nước Việt đăng cai
Hoa hậu hoàn vũ của ngài Donald (Donald Trump)
Tiên Dung tính kế chơi gian
Xin cha cho mấy chục ngàn lót tay
Dụ ban tổ chức say say
Thế là phóng bút ghi ngay tên vào
Hôm thi hoa hậu thể thao
Nàng phóng xe máy vượt rào rất kinh
Giám khảo giật thót cả mình
Nó xấu mà giỏi, chớ khinh con này
Định đem vương miện trao ngay
Nhưng rồi nghĩ lại: mới ngày đầu thôi
Mười đêm đánh bạc ăn chơi
Giám khảo cũng rõ con người Tiên Dung
Ôi chao nhi nữ anh hùng
Anh tài xứ khác coi không ra gì
Lại thêm thi họa cầm kỳ
Tài năng giải lớn tiếc gì không cho
Tiên Dung giả bộ ngây thơ
Thôi nào giám khảo cứ chờ màn sau
Cười thầm cái lũ lau chau
Đẹp người mà dốt rớt mau cho rồi
Dân tình nô nức tới coi
Vua Hùng cũng sướng: đến thời con ta
Tiên Dung vòi vĩnh hoàng gia
Nếu giành vương miện thì cha về vườn
Đây không cam phận công nương
Nữ hoàng mới xứng tấm gương siêu phàm

Trời không dung túng lòng tham
Đến hôm thi cuối mới làm nàng thua
Xui sao hôm ấy trời mưa
Tiên Dung xây xẩm vì chưa ăn gì
Bèn sai con bé nữ tì
Đun nước làm một gói mì giữ eo
Con nữ tì mới nói leo
Dạo này công chúa nhẳng nheo thân hình
Tiên Dung nghe vậy thất kinh
Mua que về thử thấy mình có thai
Nghĩ hoài chẳng biết con ai
Thế là nước mắt ngắn dài thở than
Ở đây xa cách mây ngàn
Làm sao kiếm được một chàng cưới ngay?
Xảy ra cơ sự thế này
Sao giành vương miện nữa đây hở trời?
Miệng vừa than thở mấy lời
Giám khảo xuất hiện huýt còi đuổi đi
Ôi thôi danh tiếng còn chi
Tưởng kiếm chút giải phòng khi hết tiền
Bây giờ thiên hạ xỏ xiên
Nó thấy ta giỏi, nó phiền nó chơi
Thôi thì sự cũng đã rồi
Ta bày keo khác để coi thế nào

4.
Rời xa phố xá ồn ào
Tiên Dung lặng lẽ đi vào làng quê
Trúng hôm biển động thuyền về
Xung quanh bãi vắng não nề cô liêu
Bấy giờ trời đã quá chiều
Công chúa thấy vắng đánh liều tắm tiên
Bên trời trăng mới vừa lên
Mờ mờ ảo ảo trong đêm dịu dàng
Tiên Dung đương lúc mơ màng
Nước vừa xối xuống lộ chàng thanh niên
Ôi trời chàng đẹp như tiên
Công chúa đưa mắt dán liền vào thân
Tuy rằng Dung chẳng còn tân
Thế mà gặp Chử cũng đần mặt ra
Văn Lang đất nước của ta
Không ngờ có kẻ hào hoa thế này
Ngữ ấy mà ở bên Tây
Brad Pitt chắc cũng bó tay chịu hàng
Bây giờ ta lại có mang
Kể ra mà vớ được chàng thì hên
Thế là gọi Chử đứng lên
Kể ra thân phận, xưng tên rồi đùa:
“Chàng ơi gia quyến gì chưa
Bỗng dưng sao lại nằm bừa ở đây?
Áo quần chẳng có mà thay
Thân trai lực lưỡng phơi bày vui ghê!”
Nói rồi nhìn Chử thỏa thuê
Càng nhìn càng thấy say mê trong lòng
Chử Đồng Tử liếc Tiên Dung
Công chúa sao xấu lạ lùng vậy ta?
Nhưng nàng dòng dõi hoàng gia
Ta mà cưới được cũng là ấm thân

5.
Thế là kể lể phân trần:
“Ngày xưa tôi vốn muôn phần giàu sang
Cha tôi cũng được làm quan
Mẹ tôi tích trữ nhiều vàng, đô la
Bỗng đâu nghiệp chướng oan gia
Bất ngờ ập xuống cả nhà một hôm
Buổi chiều đương lúc gió nồm
Mẹ tôi bị sặc hạt cơm tiêu đời
Đám ma cho mẹ xong rồi
Trộm vào khua hết cả nồi lẫn niêu
Tiền vàng trong tủ cũng tiêu
Ngân hàng mới rút hồi chiều chứ đâu
Ôi chao đau quá là đau
Cha tôi đổ bệnh vì rầu vì thương
Bây giờ cha chẳng có lương
Mình tôi gánh vác đảm đương việc nhà
Khi xưa chỉ biết la cà
Giờ thì làm việc, chăm cha, buôn hàng
Thế nhưng số phận phũ phàng
Tôi mà không kể thì nàng chẳng hay
Số tôi gặp cướp một ngày
Chúng nó lột sạch từ giày trở đi
Cái đêm hôm ấy đêm gì
Vận xui bám riết cực kỳ oái oăm
Cha tôi bệnh cũng tròn năm
Chỉ húp nước cháo và nằm thở khan
Vài lời trăng trối muộn màng
Đây còn cái khố con quàng vào thân
Tôi đây trung nghĩa hiếu nhân
Nỡ nào để xác mình trần đem chôn
Thế là cho khố theo luôn
Mà lòng nặng nỗi u buồn thương cha
Bấy giờ đương độ tháng ba
Nàng bân gió rét tràn qua xóm chài
Nghèo hèn cô độc thân trai
Tình tiền chẳng có, bất tài, vô mưu
Nhờ người đi hỏi lương hưu
Mong tìm ít vốn mua cừu về chăn
Bên tài chính nhấm nhẳng rằng:
“Cha nó đã chết, lằng nhằng gì đây?
Chưa bị truy cứu là may
Cái tội tham nhũng những ngày làm quan”
Chử tôi nước mắt chứa chan
Thôi đành nhắm mắt đưa chân qua ngày
Áo quần chẳng có để thay
Đành vùi dưới cát ăn mày thế gian
Hôm nay may mắn gặp nàng
Tỏ lòng tôn kính, vô vàn mến yêu”

6.
Tiên Dung sợ Chử nói điêu
Nghĩ ngợi rồi có vài điều hỏi han:
“Chàng bảo cuộc sống khó khăn
Sao không tìm việc làm ăn lâu dài?”
Chử liền vội vã đáp ngay:
“Tôi đi xin việc nhưng ai cũng đòi
Tiếng Anh, vi tính ngất trời
Vài năm kinh nghiệm với đôi tấm bằng
Toàn là những thứ cao sang
Tôi có thì chẳng gặp nàng ở đây”
Tiên Dung tuy bụng đã say
Nhưng còn sáng suốt giả nai gật gù
Tên này đẹp mã mà ngu
Đời ngang trái thật, chẳng bù cho ta
Nhan sắc như quỷ dạ xoa
Xấu người, xấu nết nhưng mà thông minh
Bây giờ ta đã nặng tình
Còn chờ chi nữa không rinh về nhà?
May cho mấy bộ bà ba
Rồi cho ra mắt hoàng gia là vừa
Thế là hai đứa say sưa
Ôm nhau hôn ít mây mưa quên đời
Trăng khuya vằng vặc bên trời
Chứng cho đôi trẻ nói lời yêu thương
Đêm nay hai đứa diễn tuồng
Sáng ra thu xếp lên đường về kinh.

7.
Nghe tin vua cũng giật mình
Con ta mà lại si tình, lạ chưa!
Hay là thằng ấy nó lừa
Khiến cho con bé say sưa không rời?
Bèn cho người gọi vào coi
Nhân tiện phỏng vấn mấy lời xem sao
“Ôi chao mày dốt hơn tao
Toán văn sử địa môn nào cũng ngu
Con tao thông lược binh thư
Gả mày cho nó thì hư cả đời”
Tiên Dung sốt ruột lắm rồi
Khi xưa giục giã giờ ngồi chê bai?
Huống chi mình đã có thai
Nếu không lấy hắn kiếm ai đổ thừa?
Dung rằng: “Cha nói lạ chưa?
Lấy chồng là chuyện ngày xưa cha bàn
Giờ con có ý trung nhân
Thì cha tỏ vẻ ngại ngần là sao?
Để lâu chàng ấy thèm vào
Cha không biết lại làm cao thế này!”
Vua Hùng vẫn cứ xua tay:
“Công chúa mà lấy ăn mày hả con?
Lại còn dốt nát kinh hồn
Làm sao cai quản nước non sau này?
Bây giờ hai đứa nghe đây
Tiên Dung ở lại, về ngay khuê phòng
Mai tìm trai khác làm chồng
May ra vẫn có kẻ trồng cây si
Thằng kia mau chóng ra đi
Ta cho ít vốn phòng khi cơ hàn”
Tiên Dung uất ức la làng:
“Không, không, con quyết lấy chàng hôm nay
Chúng con duyên nợ chẳng phai
Vì chàng, con đã có thai trong mình”
Vua Hùng nổi giận lôi đình:
“Hai đứa này láo, coi khinh phép nhà
Ta trục xuất khỏi hoàng gia
Từ nay quyết chẳng nhận cha con gì”
Nói rồi sai lính đuổi đi
Tiên Dung cũng nổi cơn lì, đi luôn.

8.
Chử Đồng Tử vẫn còn buồn
Tưởng rằng cưới vợ vào luôn hoàng triều
Tiên Dung bản lĩnh hơn nhiều
Sự tình đã thế ta liều một phen
“Trong Nam em có người quen
Hay ta vào mở quán nem Bắc kỳ?”
Chử nào có biết nói chi
Đầu đất thì vợ bảo gì chả nghe!
Chử nhìn Dung thoáng e dè
“Cho anh hỏi chút đừng chê anh đần
Chúng ta mới ngủ một lần
Tính ra được có nửa tuần mà thôi
Sao em biết có thai rồi
Hay là em đã ăn chơi hồi nào?”
Tiên Dung cất giọng ngọt ngào:
“Lại nghi ngờ thiếp là sao hở chàng?
Thiếp đây lá ngọc cành vàng
Đời nào có chuyện làng nhàng ở đây!
Bây giờ công nghệ tuyệt hay
Nên thiếp chỉ mất hai ngày thử que
Chàng nghi là thiếp bỏ về
Cho chàng chết đói bờ đê bây giờ!”
Chử Đồng Tử vốn ngu ngơ
Nghe Dung lừa thế cứ đờ mặt ra:
“Nghĩ nàng phương diện quốc gia
Quan trên trông xuống, người ta trông vào
Nên ta hỏi thử thế nào
Chứ nàng xấu thế ai xào là ngu”
(Hehe xin lỗi Nguyễn Du
Con vay tạm cụ câu thơ dẫn lời)
Tiên Dung cũng tức lắm rồi
Nhưng vì việc lớn tạm thời bỏ qua
Chử nghèo nên tính lo xa
Bảo Dung gọi điện xin cha ít tiền
Dung nghe vội vã nói liền:
“Em vẫn còn giữ đôi khuyên hột xoàn
Lắc tay, vòng cổ bằng vàng
Cần vốn cứ lấy nữ trang mà dùng”.

9.
Thấm thoắt mà đã cuối đông
Trông về xứ Bắc chạnh lòng nhớ cha
Khi xưa còn ở hoàng gia
Xe hơi đưa rước chợ hoa kinh thành
Ra giêng có hội yến anh
Bao nhiêu trai đẹp, ngon lành ghé chơi
Bây giờ xa cách phương trời
Kinh doanh ế ẩm chao ơi là buồn
Lặng người nhìn ngắm hoàng hôn
Thấy lòng quạnh vắng, bồn chồn, cô liêu
Chim trời mỏi cánh phiêu diêu
Đâu đây vọng tiếng chuông chiều xa xa
Đường đường công chúa như ta
Mà giờ thân phận lại ra nỗi này
Dung càng nghĩ lại càng cay
Ghét chồng lười biếng suốt ngày lang thang
Hôm nay đến một cái am
Chử may mắn được Phật Quang mời vào
Sau khi tán chuyện tào lao
Hai bên hợp ý kết giao bạn hiền
Phật Quang cho Chử ít tiền
Bảo về rủ vợ ra giêng buôn hàng
Tết qua xuân mới vừa sang
Tiên Dung sinh được một chàng Chử con
Khi con một tháng vừa tròn
Ba người lếch thếch lên non lập thành
Năm tốt thời vận lên nhanh
Không lâu người của xung quanh kéo về
Làm ăn lời lãi chán chê
Cả hai mua đất, mua xe ầm ầm
Phất lên khoảng độ ba năm
Tiên Dung – Đồng Tử tiếng tăm khắp vùng
Tin bay đến tận vua Hùng
Vua tròn xoe mắt: “Lạ lùng vậy ta?”
Bèn cho quân lính dò la
Quân đi do thám mất ba tháng trời
Rồi lên mạng nhắn mấy lời:
“Công chúa có một cơ ngơi kinh hoàng
Lâu đài chục cái bằng vàng
Xe toàn cỡ Mẹc, làng nhàng không đi
Giàu sang hơn chốn kinh kỳ
Ôi chao công nhận nữ nhi mà tài”
Nghe như sét đánh ngang tai
Con này làm loạn dông dài rồi đây
Bèn triệu quân lính tới ngay
Quyết tâm thẳng tiến bao vây đánh thành
Lại còn liên kết Mỹ, Anh
Trực thăng rú rít lượn quanh trên đầu.

10.
Một năm ròng rã đánh nhau
Chử - Dung vẫn cố thủ lâu trong thành
Chiến trường phơi xác tanh bành
Bom rơi lửa ngút trời xanh chói lòa
Vua Hùng nhất quyết không tha
Chử - Dung thì chẳng ló ra bao giờ
Triều đình hạ lệnh quyết chờ
Khi nào xuất hiện phất cờ đánh luôn
Nhà vua tính kế chẳng khôn
Ở đây là chốn núi non điệp trùng
Địa hình hiểm trở vô cùng
Thắng làm sao được mà lùng với săn
Tiên Dung vui lướt diễn đàn
Post bài để giết thời gian hàng ngày
Lâu lâu lộ diện mặt mày
Ghi hình ghi tiếng chiếu đầy ti vi
Còn quân cảm tử nữa chi
Đánh bom tự sát tì tì suốt năm
Vua càng nghĩ lại càng căm
Tình hình thế mãi thì làm sao đây?
Rút ngay điện thoại cầm tay
Gọi Gia Cát Lượng nhờ bày mưu sâu
Lượng rằng: “Đang ở Châu Âu
Không nhìn thế sự biết đâu mà lường
Thôi ông chịu khó nhịn nhường
Dù gì nó cũng công nương hoàng triều”
Hùng Vương nghĩ ngợi rất nhiều
Cuối cùng xuống nước ra chiêu nghị hòa
Bấy giờ công chúa mới ra
Oai phong lẫm liệt như là nữ vương
Trên cao trời rủ lòng thương
Cho Đồng Tử với Tiên Dung về trời
Lâu đài phút chốc rã rời
Thành đầm Nhất Dạ đời đời ghi danh.

-------------------------------------
Và đây là phần viết thêm sau khi đọc được giai thoại về "vợ hai" của Chử Đồng Tử là Tây Sa công chúa:

11.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh
Chử - Dung nức tiếng kinh thành nước Nam
Bây giờ bệnh tật tràn lan
Nhớ bài thuốc của Phật Quang năm nào
Đem ra quảng cáo mời chào
Ung thư, bại liệt, hắc lào… đều xong
Tiền nhiều cuộc sống thong dong
Chử sinh thói xấu đèo bòng gái tơ
Một hôm dạo bước vườn mơ
Gặp cô gái trẻ nhào vô tán liền:
“Cô kia xinh đẹp dịu hiền
Làm ta cứ ngỡ như tiên trên trời”
Biết rằng Chử có vợ rồi
Nhưng thấy trai đẹp nhất thời mê say
Cô ta liếc mắt đưa mày:
“Đi đâu mà lại qua đây hỡi chàng?
Cũng là duyên kiếp đôi đàng
Hay chàng ở lại xóm làng quê em?”
Chử nhìn cô gái mà thèm
(Chả bù vợ xấu ma lem ở nhà)
Thế là bỗng nổi lòng tà
Nghĩ mưu tính kế cưới bà vợ hai.
Tiên Dung lắm mắt nhiều tai
Điều tra nên biết chồng chài gái xinh
Thế là nổi giận lôi đình:
“Tên này bạc nghĩa bạc tình làm sao
Ngày xưa nghèo khó thế nào
Chiếc khố chẳng có mặc vào che thân
Bây giờ sung sướng vô ngần
Sao không tích đức tu nhân hả trời?”
Tiên Dung lòng dạ rối bời
Bèn mở topic mấy lời buôn dưa
Diễn đàn tâm sự ngày mưa:
“Chồng tôi phản bội dối lừa đi đêm
Tôi phần bận rộn làm thêm
Phần thì con nhỏ, 'ăn nem' sao đành
Bà con đã rõ ngọn ngành
Xin hãy tư vấn thật nhanh xem nào”
Mọi người khuyên nhủ ào ào:
“Dung ơi bình tĩnh, ngọt ngào giả nai
Cứ cho hắn cưới vợ hai
Già rồi còn mấy sức trai mà buồn
Con kia mình tận dụng luôn
Bí quyết của nó mình buôn xứ người”.

12.
Tiên Dung nghe thế vội cười
Phen này ta lãi bằng mười năm xưa
Bèn tìm nàng Nguyễn để thưa
Rồi cho quân lính đón đưa về nhà
Một ông giờ có hai bà
Suối ngày cười nói khiến nhà không yên
Chử giờ mới thấy mình điên
Nuôi hai cô vợ tiêu tiền xài hoang
Tay đeo mười nhẫn hạt xoàn
Đêm đêm hành hạ khiến chàng hụt hơi.

Xuân về mưa bụi rơi rơi
Vua Hùng rảnh rỗi ghé chơi con mình
Thấy Dung với Nguyễn thông minh
Kinh doanh y dược tài tình làm sao
Nguyễn thì chế thuốc nấu cao
Dung mở bệnh viện, chốn nào cũng chơi
Chử tài cán có thế thôi
Thua vợ nên phải chịu ngồi thu ngân
Thấy vua nàng Nguyễn ân cần
Tặng vua bài thuốc vẫn thầm ước ao
Vua về dùng thử xem sao
Thấy mình sung tựa ngày nào đôi mươi
Bèn phong danh tiếng để đời
Tây Sa công chúa – con người tài hoa.

1.2008 

Dịu dàng hoa súng

"Em thấy không tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say."
(Chiếc lá đầu tiên - Hoàng Nhuận Cầm)

Nhưng đâu chỉ có súng tím, còn có súng trắng, súng hồng và cả súng vàng nữa. Dưới đây là những tấm hình hoa súng mình chụp ở Huế và Sài Gòn.


-----------------------
Tên khoa học: Nymphaea spp. L.; Nymphaea alba L.
Tên phổ thông: Súng
Tên tiếng Anh: Nymphaea, water-lily
Họ: Nymphaeaceae (Súng)